Tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung với sức khỏe và làm đẹp

Tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung với sức khỏe và làm đẹp. Những công dụng của cây trinh nữ hoàng cung thật tuyệt vời.

Tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung với sức khỏe và làm đẹp

Từ lâu, trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng trong dân gian để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có các khối u lành tính cũng như ác tính (ung thư). Sau 15 năm nghiên cứu, cho đến nay công trình nghiên cứu khoa học của chúng tôi đã đạt nhiều kết quả rất khả quan: tìm ra cách phân biệt TNHC với các loại cây tương tự khác bằng DNA (nhằm tránh cho nhiều người uống nhầm mà bị ngộ độc), xác định được các chất trong TNHC có tác dụng kháng u, chiết xuất được các chất này từ trinh nữ hoàng cung để chế tạo ra một loại thuốc (lấy tên là Crila) điều trị u bướu, thử nghiệm trên người và khẳng định tính hiệu quả của nó, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc.

Để đạt được thành quả như trên, nhất là việc thử nghiệm lâm sàng trên người và được Bộ y tế cho phép lưu hành, trong 15 năm qua, chúng tôi đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước với quy mô lớn.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Đánh giá tác dụng điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt bằng viên nang trinh nữ hoàng cung”, do GS.TS. Trần Đức Thọ, Viện lão khoa, Bệnh viện Bạch Mai làm chủ nhiệm đề tài, cho thấy: sau 2 tháng dùng thuốc Crila, nhóm bệnh nhân được nghiên cứu đạt hiệu quả khá và tốt là 89,18%, tác dụng không mong muốn nhẹ và chỉ gặp trên 24/157 trường hợp. Hội đồng khoa học đã đánh giá kết quả nghiên cứu này là xuất sắc. Dựa trên cơ sở đánh giá của Hội Đồng Khoa Học cấp Bộ, Cục Quản Lý Dược đã cho phép viên nang Crila được lưu hành trên toàn quốc để điều trị u xơ tuyến tiền liệt.
viên nang trinh nữ hoàng cung
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Đánh giá hiệu quả và khả năng chấp nhận thuốc Crila trong điều trị bệnh u cơ nhẵn tử cung (u xơ tử cung)”, do PGS.TS. Vương Tiến Hoà, bệnh viện phụ sản trung ương làm chủ nhiệm đề tài, kết quả cho thấy: thuốc có hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân u xơ tử cung (đặc biệt là đối với u xơ tử cung có kích thước từ 6 cm trở xuống) với hiệu quả điều trị đạt 79,5%. Thuốc có độ an toàn cao, không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và các chức năng sống khác của cơ thể. Với kết quả nghiệm thu xuất sắc, hội đồng khoa học đã nhất trí đề nghị Bộ y tế cho phép bổ sung thêm tác dụng thứ hai của viên nang Crila là điều trị u xơ tử cung.

Theo chúng tôi được biết, cho đến nay, đây là loại thuốc sản xuất từ dược thảo đầu tiên trên thế giới có khả năng điều trị u xơ tử cung ở phụ nữ.

Sản phẩm Crila là kết quả nghiên cứu của 4 đề tài khoa học cấp bộ, hai dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ và cấp nhà nước cộng với quá trình nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài của TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm cùng các cộng sự.

Cây Trinh nữ hoàng cung

Cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) họ thủy tiên (Amaryllidaceae), thuộc loài cây thân thảo, gần giống cây náng hoa trắng, thân hành, đường kính 10 - 16 cm, bẹ lá úp vào nhau thành thân giả dài khoảng 8 - 15cm, có màu đỏ tía của sắc tố antocyan. Lá mỏng hình dải, mép lá nguyên, hơi uốn lượn, dài 70 - 120 cm, rộng 3 - 9 cm, gân lá song song. Khác với lá náng hoa trắng là mặt dưới, giữa sống lá có một gờ sắc nhỏ chạy dọc theo lá. Cán hoa dài 20 - 50 cm, trên đầu mang 10 - 20 hoa hợp thành tán, có bẹ hình tam giác màu xanh ve, dài 5 - 7 cm, cuống hoa ngắn. Hoa dài 10 - 20 cm, đài và cánh hoa như nhau, màu trắng, ở giữa có vệt phớt hồng tạo thành ống dài 7 - 10 cm cong, nhị ngã, dài 5 - 7 cm. Bao phấn hình sợi dài 20 – 25 cm, dính lưng. Bầu hình ống chỉ, vòi nhị mảnh, vượt  lên trên nhị.
Cây trinh nữ hoàng cung
Phân bố thu hái chế biến

trinh nữ hoàng cung có nhiều ở Thái Lan, Campuchia; Ở Việt Nam cây phát triển tốt với khí hậu miền Nam nước ta. Bộ phận dùng là lá, dùng tươi hoặc phơi khô, có người thái nhỏ sao khô, hạ thổ để dùng dần. Nhưng ở một số nước, người dân dùng cánh hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô.

Các chất có tác dụng kháng u

Từ năm 1983 cho đến nay, các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung đã công bố thành phần hóa học của nó có khoảng 32 alcaloids. Trong số đó đáng quan tâm là một số alcaloids có tác dụng kháng u như : crinafolin, crinafolidin, lycorine, và b - epoxyambellin tác dụng trên tế bào T - lymphocyte và còn có tác dụng kháng khuẩn như hamayne (bulbispenmine, flavonoid, demethylcrinamine). Ngoài alcaloids còn có các hợp chất bay hơi, aldehyd, acid hữu cơ, terpens và glucan A, glucan B.

Công dụng và liều dùng

Trong dân gian, người ta dùng nước sắc của lá trinh nữ hoàng cung để trị u xơ tử cung, u nang buồng trứng và u xơ tiền liệt tuyến. Cách dùng: mỗi ngày uống nước sắc của 3 lá trinh nữ hoàng cung hái tươi, thái nhỏ ngắn 1 – 2 cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày rồi nghỉ 7 ngày, uống 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống 7 x 3 x 3 = 63 lá, xen kẽ giữa 2 đợt nghỉ uống một đợt 7 ngày.

Phân biệt với các cây khác để tránh bị ngộ độc

Hiện nay trong nhân dân có nhiều người nhầm lẫn cây trinh nữ hoàng cung với một số cây náng khác, sử dụng lá đun sôi lấy nước uống bị ngộ độc, nôn ói. Do đó, phải phân biệt rõ cây trinh nữ hoàng cung với các cây náng khác có tại Việt Nam . Ngay trong chi Crinum chỉ có Crinum latifolium L. có tác dụng trị u xơ theo kinh nghiệm dân gian.

Một số đặc điểm phân biệt náng hoa trắng và cây trinh nữ hoàng cung.

Đặc điểm Trinh nữ hoàng cungNáng hoa trắng
Hình thái-Thân hành như củ hành tây.

-Lá mỏng hơn, màu xanh nhạt hơn.

- Mặt dưới sống lá có một gờ sắc  chạy dọc.

-Hoa trắng phớt hồng.
-Thân hành hình trứng thuôn.

-Lá dày hơn, màu xanh đậm hơn.

-Hoa trắng.
Vi phẫu-Mặt dưới sống lá tạo thành một góc tù.

-Không đối xứng qua sống lá, một bên mặt lõm vào.

-Mô huyết nhỏ, không rõ.

-Tinh thể canci oxalat hình ruột chì.
-Mặt dưới sống lá là một vòng cung đều đặn.

-Đối xứng qua sống lá.

-Mô huyết rất to, giữa 2 bó libe-gỗ.

-Tinh thể canci oxalat hình kim.


Để có thể phân biệt cây trinh nữ hoàng cung với cây lan huệ cùng chi Crinum,  phải dựa trên sự khác nhau về hình thái thực vật. Sự khác nhau về hình thái giữa những cây này trình bày trong bảng sau:

Trinh nữ hoàng cungLan huệ
Hoa ít thơm.Hoa rất thơm.
Cánh hoa mảnh, rộng, màu phớt hồng.Cánh hoa hẹp bản hơn, màu trắng xanh.
Nụ hoa lúc chưa nở phồng to, ngắnNụ hoa lúc chưa nở thon dài hơn.
Số hoa thường là 6 trên một tán lá đôi, có khi 9,10,12.Tán hoa thường có 12 hoa.
Chỉ nhụy hoa màu trắng.Chỉ nhụy hoa màu đỏ tía.
Cuống hoa tròn, đế tán hoa hơi cong, dài khoảng 7cm, đế hoa và cuống hoa màu xanh.Cuống hoa dài hơn trinh nữ hoàng cung (10 – 12 cm), đế hoa và cuống hoa màu đỏ tía.
Khi hoa nở hết, các cánh hoa cẫn xếp sát nhau giữ hình ống.Khi hoa nở hết, các cánh hoa tách rời nhau, uốn cong xuống.
Lá có màu xanh nhạt hơi vàng.Lá có màu xanh đậm (xanh rì) lá dày hơn lá trinh nữ hoàng cung.
Thân thường ngắn có màu đỏ tía.Thân cao hơn, thường có màu xanh, đôi khi cũng có màu đỏ tía.

Phân biệt trinh nữ hoàng cung với các cây khác

Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã phân biệt được cây trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị khối u với các loại cây khác. Việc phân biệt này rất quan trọng, vì thực tế có rất nhiều loại cây giống trinh nữ hoàng cung mà người không có chuyên môn khó mà phân biệt, đã có nhiều người nhầm lẫn dẫn đền ngộ độc.
 phân biệt được cây trinh nữ hoàng cung
Những công trình nghiên cứu về cây Trinh nữ hoàng cung

Những nghiên cứu trên thế giới

Nghiên cứu về thành phần hóa học:

Năm 1984, Ghosal (Ấn Độ) đã phân lập và xác định từ cán hoa Crinum latifolium L. một glucoalcaloid có tên latisolin. Thủy phân bằng enzym thu được aglycon có tên latisodin (J. Chan. Res 1983).

Ghosal và Shibnath còn phân lập được từ thân hành lúc cây đang ra hoa pratorimin và pratosin, là hai alcaloid pyrolophenanthrindon mới cùng với những chất đã được biết như pratonmin, ambelin và lycorin.

Năm 1986, Ghosal còn công bố tách được từ TNHC một số dẫn xuất alcaloid có tác dụng chống ung thư: crinafoline và crinafolidine . Các chất này đã được thử nghiệm với tế bào ung thư và cho kết quả dương tính. Năm 1989, Ghosal còn chiết từ dịch ép của cán hoa TNHC hai alcaloid mới có nhân pynolophennanthaidin là 2-epilycorin và 2-epipancrassidin .

Một số nhà khoa học Nhật Bản cũng tìm thấy một số ít alcaloid khác từ cây này như : crinamin, hamayne.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm và cộng sự đã tìm ra các alcaloid:   9 – octadecenanine, dihydro-oxo-demethoxyhaemanthamine, augustamine, oxoassoanine,  crinane-3a-ol, buphanidrine, powelline, undulatine, ambelline, 6 - hydroxybuphanidrine, 6-hydroxypowelline, crinamidine, 6-hydroxyundulatine, lb, 2b-epoxyambelline, 6-hydroxycrinamidine, epoxy 3, 7 – dimethoxycrinane -11 – one.

Bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và cộng sự chiết một phân đoạn từ cao trinh nữ hoàng cung đã tách được các alcaloids: dihydro-oxo-demethoxyhaemanthamine, augustamine, oxoassoanine, crinane-3a-ol, buphanidrine, powelline, undulatine, ambelline, 6-hydroxy-buphanidrine 6-hydroxypowelline, crinamidine, 6-hydroxyundulatine, 1b, b-epoxyambelline, epoxy-3, 7-dimethoxycrinane-11- one (tentative), 6-hydroxycrinamidine. Ngoài ra tác giả còn phát hiện trong lá trinh nữ hoàng cung có các chất bay hơi sau: fomamide, acetaldehyde, acetic acid, 2.2-dimethylpropanoic acid, cyanophenol, benzaidehyde, phenol, benzyl alcohol, phenylacetaldehyde, o-cresol, p-cresol, 2.6-dimethylcyclohexanol, nonanal, benzoic acid, octanoic acid, N-methyl-N-phenylformamide, nonanoic acid, N-propylbenzamine, dihydroactinidiolide, dodecanoic acid, hexadecane, 2-methylhexadecane, decylbenzene, heptadecane, octadecane, 2.6.10.14-tetramethylpentadecane, N.N-diphenyllormamide, phenanthrene, 10.11-dihydro-2E,6E-farnesol, 2.6.10.14-tetramethylhexadecane, hexahydrofarnesylacetone, phytol.

Tác dụng sinh học:

Song song với các nghiên cứu về mặt hóa học, có nhiều công trình nghiên cứu về mặt sinh học từ cây TNHC đã được công bố. Các tác giả đã chứng minh được tác dụng sinh học của các alcaloid trong họ Amaryllidaceae rất rộng, bao gồm các đặc tính chống ung bướu, chống vi khuẩn và kích thích miễn dịch . Tác giả Yui và cộng sự đã chứng minh alcaloid lycorine là hoạt chất chính từ TNHC có tác dụng gây kích thích cho tế bào T trong ống nghiệm và trên sinh vật hoạt động, phát triển. Các tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm, E.Zveskova, E.Nikolova, E.Katzarova và Kostov cũng đã chứng minh được rằng dịch chiết nước nóng từ lá cây TNHC Việt Nam có thể kích thích hữu hiệu sự sinh sản của tế bào lympho T và đặc biệt có tác dụng kích thích trực tiếp các tế bào CD3 + T và CD4 + T trong ống nghiệm.

Theo tác giả Ghosal, một số alcaloid từ TNHC như: crinafoline, crinafolidine đã được thử nghiệm với tế bào ung thư và cho kết quả dương tính.
tác dụng công dụng cây trinh nữ hoàng cung

Nghiên cứu tại Việt Nam

Trong những năm gần nay, nhân dân trong cả nước, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực miền Trung đã dùng nước sắc lá cây trinh nữ hoàng cung để trị một số bệnh như u xơ tuyến tiền liệt và u xơ tử cung đạt hiệu quả. Bệnh viện hữu nghị Việt – Xô đã điều trị cho 158 bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến và u xơ tử cung , đạt kết quả tốt.

Theo chúng tôi được biết, tại viện Sinh học nhiệt đới TPHCM, nhóm nghiên cứu của GS-Tiến sĩ Nguyễn Công Hào đã đi sâu nghiên cứu các khâu trồng, thu hái và chế biến, nghiên cứu các chế phẩm chống sâu bệnh cho cây trinh nữ hoàng cung, sử dụng kĩ thuật DNA để phân biệt các loại Crinum khác nhau. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thị Việt Hoa, bộ môn tổng hợp hữu cơ, khoa công nghệ hoá dầu, Đại học Bách Khoa TPHCM đã đi sâu vào nghiên cứu thành phần hoá học và các phương pháp tách chiết và đã phát hiện trong lá cây TNHC có các Alcaloids, carotenoid, saponin, acid uronic và coumarin. Còn nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Khắc Quỳnh Cứ và TS. Võ Thị Bạch Huệ với phương pháp chiết xuất bằng cồn đã chiết xuất được các Alcaloids: augustamin, ambelin, crinamiđin, 6-hydroxy crinamidin…

Như vậy là đã có nhiều cơ quan khoa học và các nhà nghiên cứu Việt Nam tập trung nghiên cứu về nhiều khía cạnh của cây TNHC.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, công ty cổ phần dược liệu trung ương II là một nghiên cứu khá đầy đủ, kết quả cuối cùng là sản xuất một loại thuốc viên, qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, đã được hội đồng khoa học đánh giá xuất xắc và cho lưu hành trên thị trường.

U xơ tuyến tiền liệt và Trinh nữ hoàng cung

Bệnh u xơ tuyến tiền liệt hay còn gọi u phì đại lành tính tuyến tiền liệt là một căn bệnh đã đư­ợc các nhà khoa học trên thế giới và trong nước quan tâm nghiên cứu. Cho đến nay cũng chỉ mới đưa ra được những giả thuyết vai trò của nội tiết, mối quan hệ tổ chức đệm với lớp biểu mô và các yếu tố phát triển. Sự biến đổi của hệ thống miễn dịch và viêm nhiễm tại chỗ…

Những nghiên cứu điều trị bệnh

Các nhà khoa học trên thế giới luôn cố gắng tìm nguyên nhân sinh bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Theo quan điểm của một số nhà khoa học, androgen và cụ thể hơn là testosteron có tác dụng gây cảm ứng và làm tiến triển u tuyến tiền liệt. Đã từ lâu, người ta thấy rằng, những người bị hoạn từ lúc còn bé không bao giờ bị ung thư tuyến tiền liệt. Năm 1786, Hunter John đã điều trị ung thư tuyến tiền liệt có kết quả bằng cách cắt bỏ tinh hoàn. Năm 1941 Huggins đã đề xuất phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt bỏ tinh hoàn hoặc dùng một hormon kháng androgen là estrogen. Với công trình này, tác giả đã đoạt giải thưởng Nobel năm 1966.
U xơ tuyến tiền liệt và Trinh nữ hoàng cung

 Cắt bỏ cả hai bên tinh hoàn làm cho nồng độ testosteron trong huyết tương giảm từ 500mg/100ml xuống còn 50mg/100ml, tức là giảm đi 90%. Nồng độ testosteron thấp không đủ làm phát sinh và phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Vì thế người ta cũng nghĩ đến phương pháp dùng anti - androgen để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và cũng thu được kết quả như đã dùng diethylstillboestrol ( một loại estrogen tổng hợp) hoặc polyestradiol. Liều dùng chỉ nên 1-2mg/ngày. Dùng liều cao có thể gây ra tai biến tim mạch, dễ dẫn đến tử vong. Cũng có thể dùng thuốc ức chế quá trình tổng hợp testosteron như aminoglutethimid, ketoconazol; hoặc thuốc cạnh tranh với testosteron ở thụ thể như cyproteron acetat, nilutamid. Trước khi Huggins nhận được giải Nobel, trong những năm 1959 – 1962, Dorfman đã có nghiên cứu thấy sự phát triển u tuyến tiền liệt phụ thuộc vào nồng độ testosteron ở chuột cống trắng. Thực tế u phì đại tuyến tiền liệt thường thấy xuất hiện và phát triển ở những người cao tuổi, nên sự thay đổi nội tiết ở tuổi già được coi là có vai trò quan trọng. Testosteron được coi là yếu tố quyết định.

Testosteron là sản phẩm chủ yếu của tế bào leydig trong tinh hoàn. Người ta biết testosteron tự do không gây u phì đại tuyến tiền liệt, nhưng dưới tác dụng của 5 a- reductase, sẽ chuyển hóa thành dihydrotestosteron (DHT), một chất chuyển hóa hoạt tính gắn vào các thụ thể trong tế bào tuyến tiền liệt làm phân chia nhân tế bào, làm tăng sinh và u phì đại tuyến tiền liệt.

Trên thực tế Siteri và Wilson (1970) thấy nồng độ DHT trong u phì đại tuyến tiền liệt cao hơn 3-4 lần nồng độ DHT trong mô tuyến tiền liệt bình thường. Walsh (1984) thấy tỉ lệ các thụ thể DHT trong u xơ bao giờ cũng cao hơn ở mô tuyến tiền liệt bình thường. Điều đó cho thấy DHT có ý nghĩa quan trọng trong hình thành u phì đại tuyến tiền liệt.

Ngoài testosteron còn có estrogen cùng với testosteron kích thích sự phát triển của tuyến tiền liệt. Thành phần quan trọng của estrogen là oestradiol. Trái với quan niệm trước đó, estrogen không ức chế sự phát triển của tuyến tiền liệt mà còn cùng với với androgen, do oestrogen, còn làm tăng tỉ lệ các thụ cảm androgen. Walsh và Wilson dùng oestradiol và DHT tiêm cho chó bị thiến, đã gây u phì đại tuyến tiền liệt.

Ngoài hai loại hormon chính như đã nói ở trên, người ta cũng quan sát thấy vai trò kết hợp của androgen thượng thận và prolactin trong sự phát triển của tuyến tiền liệt.

Vai trò của các yếu tố tăng trưởng trong sự phát triển của u phì đại lành tính tuyến tiền liệt được phát hiện bởi Chen và Lawson. Yếu tố này được phóng thích ra từ tế bào biểu mô màng đáy do các chấn thương nhỏ của mô niệu đạo và tuyến tiền liệt quanh niệu đạo như đi tiểu, xuất tinh hay viêm nhiễm mãn tính.

Theo R.Lawson những người có u phì đại lành tính tuyến tiền liệt có tỷ lệ các yếu tố tăng trưởng đặc biệt là BFGF (basic fibroblas growth factor - tế bào xơ non kiềm tính) và TGFB (transforming growth factor - điều hòa ức chế sự tăng trưởng) cao hơn người bình thường và tập trung nhiều ở vùng quanh niệu đạo tuyến tiền liệt phần trên u núi. Trong các yếu tố đó chính BFGF là yếu tố quan trọng, nó làm phát triển các tế bào xơ non, hình thành nhân xơ - các nhân xơ phát triển lớn dần tạo thành các khối u xơ tuyến tiền liệt.

Mặc dù có nhiều giả thuyết về sự hình thành của u phì đại tuyến tiền liệt, song người ta cho rằng muốn hình thành đư­ợc u phì đại tuyến tiền liệt phải có những yếu tố sau:

- Tinh hoàn phải có chức năng.

- Người trên 45 tuổi.

- Có sự tham gia của các yếu tố tăng trưởng.

Để điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, hiện nay trong nước và trên thế giới đã và đang sử dụng hai phương pháp: điều trị ngoại khoa và điều trị nội khoa.

Phương pháp điều trị ngoại khoa: cắt u nội soi và mổ bóc tách u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đường trên. Ph­ương pháp này có chi phí cao và sau mổ có thể xảy ra biến chứng, cho nên không thuận lợi cho những người trẻ tuổi.

Phương pháp điều trị nội khoa: điều trị dùng thuốc. Phương pháp này thuận lợi cho những bệnh nhân có u xơ tuyến tiền liệt kèm theo bệnh khác như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Các thuốc thường được dùng để điều chỉnh các rối loạn tiểu tiện do sự phì đại của u xơ, do trương lực cơ trơn ở tuyến tiền liệt và niệu đạo gây nên.

Điều trị bằng các hormon: các chất tương tự GnRH: ức chế tinh hoàn tiết ra testosteron làm nồng độ testosteron trong huyết thanh giảm làm kích thước nhỏ hơn và lưu l­ượng n­ước tiểu tối đa tăng.

Các thuốc kháng androgen:

+ Acetat cyproterone: tác dụng tương tự progesteron chống sản xuất androgen.

+Flutamide: kháng androgen đơn thuần không thuộc nhóm steroid.

+ Casodex.

Thuốc ức chế 5a- reductase làm testosteron không chuyển hóa thành dihydrotestosteron. Đại diện là finasterid (Proscar) làm giảm các triệu chứng bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt bằng cách hoàn toàn khác. Thay vì làm giảm cơ chậu, thuốc thu nhỏ tuyến tiền liệt. Đối với một số người có tuyến tiền liệt lớn, thuốc finasterid có thể cải thiện triệu chứng đáng kể. Dù vậy, thuốc thường không có hiệu quả nếu bệnh nhân có tuyến tiền liệt bình thường hay u phì đại vừa phải.

Finasterid tác dụng chậm. Sau 3 tháng mới có sự cải thiện về dòng nước tiểu và thường cần đến một năm mới có kết quả đầy đủ. Một số ít người dùng finasterid bị bất lực, giảm dục năng và giảm lượng tinh dịch phóng ra khi xuất tinh. Nhưng ở đa số người thì  finasterid chỉ gây tác dụng phụ nhẹ.

Finasterid có hai nhược điểm khác. Finasterid đắt hơn thuốc phong bế alpha và nó hạ thấp mức PSA. Điều này có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm PSA phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

Kháng estrogen: có tác dụng tranh -chấp với các thụ thể androgene ở tế bào đích: Tamoximen (TMA), Ketokonazol…

Thuốc phong bế alpha giao cảm: cổ bàng quang và niệu đạo vùng tuyến tiền liệt có nhiều thụ thể a - adrenergic. Vì vậy các thuốc  a - adrenergic có tác dụng làm giãn cơ trơn vùng này, làm dễ bài niệu. Thường dùng các chất phong bế alpha có tác dụng chọn lọc các thụ thể a 1 sau synapse gồm có: Terazosin (Hytrin), Doxazosin (Cardura), Tamsulosin (Flomax), Prazosin, Alfurrosin. Thuốc phong bế alpha có hiệu quả đối với khoảng 75% người sử dụng. Thuốc tác dụng nhanh. Trong vòng một đến hai ngày số bệnh nhân nhận thấy tăng lượng nước tiểu và giảm nhu cầu tiểu tiện. Tác dụng phụ có thể là đau đầu hoặc chóng mặt, choáng váng hoặc mệt, ảnh hưởng đến quan hệ tình dục.

Thuốc có nguồn gốc thiên nhiên:

-Tadenan 50 mg, viên nang mềm được chế từ vỏ cây Pygeum africanum (một loại mận châu Phi).

- Permixon từ quả cây Serenoa repens.

Các thuốc trên có tác dụng chống viêm, lợi tiểu và không có tác dụng phụ vì được sản xuất từ thảo dược.

Để đóng góp thêm vào kho tàng thuốc của thị trường dược phẩm thế giới, các nhà hoá học và dược học đã tiếp tục tìm thêm từ dược liệu những sản phẩm thuốc mới có nhiều ưu điểm như : giảm kích thước u xơ, cải thiện tiểu tiện và không có tác dụng phụ như những loại thuốc đang được lưu hành trên thị trường. Cũng vì vậy, cây TNHC có ở Việt Nam đã và đang được nghiên cứu.

-Ghosal (1983), Ấn Độ, đã tìm ra từ  củ của cây TNHC chất pratorimin có tác dụng kháng ung bướu (antitumor). Cũng xin nói thêm, S.Kobayashi- 1984, Nhật Bản , tìm được hợp chất crinamin từ  củ cây TNHC, có tác dụng chống bệnh sốt rét (antimalarial). S.Kobayashi cũng tìm được chất hamayne (bulbispermin) từ  củ cây TNHC có tác dụng kháng khuẩn (anti-bacterial).

- Ghosal(1986), Ấn Độ, đã tìm ra trong hoa của trinh nữ hoàng cung có hai hoạt chất crinafolidin và Crinafolin, hai chất này có tác dụng kháng ung bướu (anti-tumor).

Video tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung với sức khỏe và làm đẹp:


0 nhận xét:

Đăng nhận xét